Bảng lãi suất mới nhất tháng 6, gửi tiền ngân hàng nào lợi nhất CHO DÂN?
Khoảng 20 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động trong một tháng trở lại đây. Các kỳ hạn gửi tiền lãi suất từ 5%/năm trở lên ngày càng nhiều, thay vì hiếm hoi như trước.
Thay vì xu hướng giảm đồng loạt như trước, theo khảo sát của phóng viên Dân trí, 20 ngân hàng đều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi một tháng trở lại đây trong bối cảnh người dân rút bớt tiền khỏi hệ thống ngân hàng.
Lãi suất từ 5%/năm trở lên ngày càng nhiều
Hàng loạt nhà băng điều chỉnh lãi suất tăng tuần qua. Mức tăng phổ biến từ 0,1 đến 0,5 điểm %. Chi phí huy động vốn tăng làm lo ngại lãi suất cho vay cũng sẽ bị đẩy tăng.
Eximbank mới đây đã tăng 0,1 điểm % lãi suất ở tất cả kỳ hạn. Theo đó, lãi suất huy động trực tuyến kỳ hạn 1-2-3 tháng tại đây lần lượt là 3,1%-3,3%-3,4%/năm. Kỳ hạn 12 tháng vừa chạm mốc 5%/năm, kỳ hạn 15 tháng 5,1%/năm.
Hiện lãi suất kỳ hạn 18 tháng đã được Eximbank nâng lên 5,2%/năm. Lãi suất cao nhất thuộc về kỳ hạn 24-36 tháng, ở mức 5,3%/năm.
Trước đó, ngân hàng này cũng đã có 2 lần tăng lãi suất huy động vào tháng 3 và tháng 4.
Hay như VIB lần gần nhất điều chỉnh tăng 0,2 điểm % cho các kỳ hạn 6-11 tháng, lên mức 4,3%/năm. Lãi suất tiền gửi cao nhất tại VIB vẫn là 5,1%/năm cho các kỳ hạn 24-36 tháng.
*Biểu lãi suất một số ngân hàng (đơn vị: %/năm)
Bên cạnh lãi suất huy động thông thường, một số ngân hàng áp dụng chính sách lãi suất đặc biệt với mức lãi suất cao nhất lên đến 7-9%/năm. Mức lãi suất cao này chỉ dành cho nhóm khách hàng đáp ứng điều kiện ngân hàng đưa ra.
Như ở HDBank, lãi tiền gửi kỳ hạn 12 và 13 tháng lên đến 7,7% và 8,1%/năm. Song điều kiện để được hưởng mức lãi suất này là khách hàng gửi tiết kiệm số tiền từ 500 tỷ đồng trở lên và lĩnh lãi cuối kỳ.
PVcomBank đang áp dụng lãi suất đặc biệt lên đến 9,5%/năm, dành cho khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12-13 tháng, số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.
DongABank cũng áp dụng chính sách lãi suất đặc biệt khi gửi tiền từ 200 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng sẽ được hưởng lãi suất 7,5%/năm.
Còn tại MSB, khách gửi tiền kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng có thể nhận mức lãi 7%/năm.
Lãi suất rục rịch tăng (Ảnh: Mạnh Quân).
“Điều chỉnh lãi suất phải có kiểm soát chặt chẽ”
Tổng giám đốc ACB Từ Tiến Phát cho biết việc điều chỉnh lãi suất là điều tất nhiên theo xu hướng của thị trường. Khi thị trường tăng hoặc giảm, không ngân hàng nào có thể đứng ngoài được. Do đó, theo xu thế thị trường, thời gian qua ngân hàng này cũng có tăng lãi suất huy động.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh lãi suất phải có kiểm soát chặt chẽ, không thể nào tăng nhanh lãi suất huy động, dẫn đến chi phí vốn tăng lên, làm ảnh hưởng đến việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Về xu hướng lãi suất sắp tới, ông Phát cho rằng còn tùy thuộc vào dư địa của mỗi ngân hàng mà có sự điều chỉnh khác nhau, tuy nhiên việc giữ lãi suất thấp sẽ duy trì ít nhất đến cuối năm nay.
Ngân hàng lớn vẫn có thể cân bằng được việc chi phí giá vốn đã tăng lên và tiết kiệm chi phí. Các ngân hàng có lượng tiền gửi không kỳ hạn lớn cũng điều hòa được chi phí vốn, còn ngân hàng nhỏ hơn cũng sẽ bị ảnh hưởng.
“Chưa bao giờ cạnh tranh đối với cho vay trong ngân hàng khắc nghiệt như hiện nay. Một ngân hàng chỉ cần nâng lãi suất cho vay lên, thì ngay lập tức dòng tiền tín dụng sẽ dịch chuyển qua ngân hàng khác”, Tổng giám đốc ACB nhận định.
Ngân hàng không thể một mình nâng lãi suất cho vay lên được, mà phải theo sự cạnh tranh của thị trường, và các ngân hàng hiện nay đã công khai lãi suất, khách hàng đều sẽ biết.
Khoảng 20 ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động trong một tháng trở lại đây (Ảnh: Mạnh Quân).
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, cho biết một số ngân hàng cũng tăng mức lãi suất huy động. Nhưng mức tăng này không lớn, chủ yếu ở kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng, biên độ tăng khoảng 20-30 điểm %.
Mặc dù lãi suất đã tăng, nhưng vẫn ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, thậm chí thấp ở cả lãi suất huy động trước dịch Covid-19. Mặt bằng chung lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng đang quanh mức 5%/năm.
Về thanh khoản của hệ thống, ông Quang cho rằng nhu cầu phải huy động lãi suất ở mức cao hơn, UOB chưa nhận thấy có rủi ro về thanh khoản của thị trường.
Ông Quang đánh giá, chính sách phải đi theo xu thế của thị trường. Và xu hướng hiện nay của các nước trong khu vực và trên thế giới là đang phải giữ mặt bằng lãi suất cao hơn ở mức lâu hơn.
Do đó, Việt Nam cũng không thể đi ngược lại xu hướng đó, phải cân bằng mặt bằng lãi suất trong nước, để hài hòa với các kênh đầu tư khác và với các nước trên thế giới.
“Tiền gửi tiết kiệm là kênh phổ biến nhất tại Việt Nam, ngân hàng thương mại đang điều chỉnh lãi suất huy động để cân bằng lợi tức so với các kênh đầu tư khác trên thị trường chứ không phải là thiếu thanh khoản”, đại diện UOB Việt Nam đánh giá.