Thần đồng 13 tuổi đỗ trường Y, 21 tuổi nhận bằng bác sĩ giờ ra sao?
Sho Yano là thần đồng có chỉ số IQ 200 đỗ trường Y ở tuổi 13 và 8 năm sau nhận được bằng bác sĩ đa khoa (Medical doctor). Hiện, anh là bác sĩ nổi tiếng tại Mỹ.
Sho Yano (1990) sinh ra và lớn lên ở Mỹ, bố người Nhật, mẹ là người Hàn Quốc. Từ nhỏ, anh sớm bộc lộ sự thông minh vượt trội so với bạn bè. 2 tuổi, Yano biết đọc và 3 tuổi có thể viết thư. Lên 5 tuổi, anh có thể chơi và sáng tác nhạc cổ điển trên piano.
Ở tuổi lên 8, Yano không chỉ đạt 1.500/1.600 điểm SAT còn tốt nghiệp cấp 3 tại Trường American School of Correspondence – nơi tiên phong trong lĩnh vực giáo dục tại nhà. 1 năm sau, nam sinh đỗ vào Đại học Loyola Chicago (Mỹ) và tốt nghiệp với tấm bằng danh dự ở tuổi 12.
Thần đồng Sho Yano đỗ Trường Y Pritzker thuộc Đại học Chicago (Mỹ) ở tuổi 13.
13 tuổi đỗ trường Y, 21 tuổi nhận bằng bác sĩ
Tốt nghiệp Đại học Loyola (Mỹ), nam sinh đăng ký vào các trường y nhưng bị từ chối vì tuổi tác, bởi độ tuổi trung bình của sinh viên y khoa ở Mỹ là 23. Các trường cho rằng, môi trường học tập khắc nghiệt sẽ khiến nam sinh mất tuổi thơ.
“Tôi không hiểu tại sao việc thử thách bản thân bị cho là nguy hiểm hơn cảm giác buồn chán?”, Yano chia sẻ.
Sho Yano lập Kỷ lục Guinness là Bác sĩ y khoa trẻ nhất thế giới ở tuổi 21.
Ở tuổi 13, Yano đỗ vào Trường Y Pritzker thuộc Đại học Chicago (Mỹ). “Tôi nhớ khi phỏng vấn Yano – cậu bé 11 tuổi lịch sự, dễ thương. Với tôi, em không phải là sinh viên bình thường. Chắc chắn em sẽ trở thành bác sĩ giỏi”, ông Joel Schwab – Giáo sư Nhi khoa của Đại học Chicago (Mỹ), cho biết.
5 năm sau, anh nhận bằng tiến sĩ lĩnh vực Di truyền phân tử và Sinh học tế bào. Quá trình học tiến sĩ, Yano phát hiện protein ‘gp6’ và ‘gp8’ có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.
Trong luận án tiến sĩ anh giải thích cách tạo ra kháng sinh mới bằng cách sử dụng 2 loại protein này. Thành công của nghiên cứu giúp Yano nhận được bằng sáng chế ở tuổi 18.
Năm 2011, ở tuổi 21, Yano trở thành người trẻ nhất có bằng bác sĩ y khoa (Medical doctor – MD) của Đại học Chicago (Mỹ). Anh lập Kỷ lục Guinness là Bác sĩ y khoa trẻ nhất thế giới. Sau khi nhận được bằng MD, Yano làm việc tại khoa Thần kinh của Bệnh viện Nhi đồng La Rabida (Chicago, Mỹ). Anh chia sẻ, đây là ước muốn lớn nhất khi còn đi học. Hiện tại, Yano là bác sĩ nổi tiếng chuyên về thần kinh ở Mỹ.
Em gái Sayuri của Sho Yano cũng là thần đồng .
Phương pháp dạy con
Để có được ngày nay, Yano chia sẻ mẹ là người góp phần tạo nên thành công của bản thân. Bà là người khích lệ Yano theo đuổi ước mơ. Mẹ cũng là người dạy Yano học tại nhà đến khi tốt nghiệp lớp 12, ở tuổi lên 8.
Chia sẻ về phương pháp dạy con, mẹ Yano cho rằng, giáo dục là nhiệm vụ cả đời và phải đồng hành cùng con trong quá trình trưởng thành. Tạo thói quen cho con học tập nghiêm túc từ nhỏ là kim chỉ nam để bà uốn nắn Yano.
Bà nhấn mạnh lòng tự trọng, kỹ năng xã hội, sự độc lập, tự chủ và khả năng sáng tạo là chìa khóa giúp trẻ phát triển tài năng. Trong đó, lòng tự trọng là yếu tố quan trọng được mẹ Yano xếp lên hàng đầu.
“Trừng phạt trẻ khi làm sai là phương pháp tồi tệ. Thay vào đó, phụ huynh có thể động viên và khen ngợi con, biến nó thành những trải nghiệm tích cực. Điều này là nền tảng cho sự trưởng thành của trẻ”, mẹ Yano cho hay. Bà cho biết, thường dành thời gian cho con nhiều. Khi Yano 6 tháng, mỗi ngày bà đều đọc sách cho con.
Cách bà dạy con sẽ bắt đầu bằng những thứ đơn giản như: Đọc thơ sau đó yêu cầu con nói hoặc viết ra cảm nhận; Học tính toán bằng cách cùng con làm bánh và dùng cốc đo lường; Trau dồi kỹ năng thuyết trình qua việc tổ chức họp gia đình để trẻ bày tỏ quan điểm cá nhân. Hoạt động này là cách bà giúp các con hứng thú trong việc học.